0915 378 783

Chương trình giảm nghèo bền vững về đích trước thời hạn

Gia đình chị Trần Thị Thu Hà (phường 8, quận 6) được hỗ trợ vốn kinh doanh quần áo may sẵn đã thoát nghèo.

Bằng các giải pháp giảm nghèo hiệu quả, cuộc sống của nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã thật sự ổn định, từng bước nâng cao thu nhập, đưa Chương trình giảm nghèo bền vững của thành phố về đích trước thời hạn hai năm. Từ kết quả này, thành phố đặt tiêu chí nâng cao chuẩn thu nhập của hộ nghèo, cận nghèo.

Nhiều quận về đích sớm

Ông Lê Hoàn Thiện (ngụ phường 6, quận 5) có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, vợ bệnh tật, ông phải một mình gồng gánh nuôi ba con đang tuổi ăn, tuổi học. Là hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020, gia đình ông Thiện được tặng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), một xe bán hủ tiếu và được vay 50 triệu đồng làm vốn. Các con ông được tặng học bổng nhiều năm liền. Ông Thiện cũng được giới thiệu vào làm việc ở một công ty bảo vệ tại quận 8. Ðến nay, thu nhập của gia đình đạt 32,7 triệu đồng/người/năm. “Gia đình tôi cố gắng chăm chỉ làm ăn, ổn định cuộc sống và thoát nghèo. Sự hỗ trợ của địa phương đã giúp gia đình tôi thoát nghèo một cách bền vững”, ông Lê Hoàn Thiện cảm kích. Bà Võ Thị Bình Dân, Tổ trưởng Tổ Tự quản giảm nghèo bền vững phường 12, quận 5 cho hay, gia đình bà không thuộc diện hộ nghèo nhưng bà tình nguyện làm tổ trưởng giảm nghèo để có điều kiện gần gũi, giúp đỡ các hộ nghèo một cách thiết thực. Với trách nhiệm của mình, bà Dân thường xuyên giới thiệu việc làm cho các thành viên hộ nghèo, giới thiệu hộ nghèo vay vốn ưu đãi để buôn bán, tự tạo việc làm. Bà Dân nhận xét, người nghèo, hộ nghèo trong phường luôn có ý thức tự lực vươn lên và sự tiếp sức của cộng đồng đã giúp các hộ nghèo nhanh chóng thoát nghèo.

Theo UBND quận 5, thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Quỹ Xóa đói, giảm nghèo đã hỗ trợ vốn cho 224 hộ, với số tiền hơn 5,6 tỷ đồng. Quỹ tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội thẩm định và giải ngân 315 dự án từ nguồn quỹ quốc gia giải quyết việc làm cho 300 hộ, với tổng số tiền hơn 8,4 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 418 lao động. Phó Chủ tịch UBND quận 5 Trương Canh Ba cho biết: Quận cập nhật thường xuyên số lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo chưa có việc làm hoặc việc làm không ổn định để liên kết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh kịp thời giới thiệu học nghề, giải quyết việc làm ổn định để tăng thu nhập. Ðến cuối năm 2017, thu nhập bình quân hộ nghèo, cận nghèo đều được nâng lên hơn 25 triệu đồng/người/năm, vượt chuẩn nghèo của thành phố (21 triệu đồng/người/năm). Quận 5 đã hoàn thành Chương trình giảm nghèo bền vững trước thời hạn ba năm.

Bằng các biện pháp đồng bộ, quận 6 cũng hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố, giai đoạn 2016 - 2020 trước thời hạn ba năm. Tính đến cuối tháng 8-2018, đã có thêm hai quận là quận 3 và Phú Nhuận về đích chương trình giảm nghèo. Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (LÐ-TB-XH) thành phố Lê Minh Tấn, cho biết: Ðến nay, toàn thành phố có bốn quận (quận 3, 5, 6 và Phú Nhuận), 97 phường không còn hộ nghèo; trong đó, quận 5 và 17 phường không còn hộ cận nghèo theo chuẩn. Ðầu giai đoạn (đầu năm 2016), thành phố có hơn 115 nghìn hộ nghèo, cận nghèo (chiếm tỷ lệ gần 5,8% tổng hộ dân). Thành phố đã huy động nguồn lực thực hiện Chương trình giảm nghèo năm 2016 là 3.360 tỷ đồng, năm 2017 là hơn 3.900 tỷ đồng, ước tính năm 2018 là 4.500 tỷ đồng, bảo đảm các chính sách hỗ trợ được triển khai kịp thời, đầy đủ và đúng đối tượng. Trong hơn hai năm, thành phố đã hỗ trợ vốn ưu đãi cho hơn 100 nghìn lượt hộ, với số tiền hơn 3.000 tỷ đồng để giải quyết việc làm cho người lao động, cải thiện chất lượng cuộc sống. Cùng với đó, hơn 28 nghìn lao động được giải quyết việc làm; gần 73 nghìn lượt học sinh diện hộ nghèo, cận nghèo được miễn, giảm học phí… Hiện thành phố chỉ còn gần 5.000 hộ nghèo.

Nâng mức chuẩn nghèo

Theo Giám đốc Sở LÐ-TB-XH thành phố Lê Minh Tấn, từ hiệu quả hỗ trợ tích cực của các quận, huyện, ý thức vươn lên thoát nghèo của hộ nghèo, cận nghèo đã đưa Chương trình giảm nghèo bền vững của thành phố về đích trước thời hạn hai năm. Qua đó, đã góp phần hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo ổn định cuộc sống, từng bước nâng cao thu nhập và bảo đảm khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục - đào tạo, y tế, việc làm, bảo hiểm xã hội, nhà ở, điều kiện sống, tiếp cận thông tin. Do đó, giai đoạn 2019-2020, dự kiến chuẩn nghèo của thành phố sẽ được nâng lên 28 triệu đồng/người/năm (hiện tại là 21 triệu đồng/người/năm). Mức chuẩn hộ cận nghèo là 36 triệu đồng/người/năm (hiện nay là 28 triệu đồng/người/năm). Với mức chuẩn nghèo, cận nghèo như trên, dự báo đầu năm 2019, thành phố dự kiến có khoảng 100 nghìn hộ (chiếm khoảng 5% tổng hộ dân) nằm trong diện nghèo, cận nghèo. Thành phố cũng đã dự kiến dành nguồn lực hơn 9.400 tỷ đồng để thực hiện các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo trong hai năm 2019 và 2020.

Ðồng chí Lê Minh Tấn cho hay, thành phố sẽ tập trung giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1%/năm; đồng thời, nâng mức bình quân thu nhập của hộ nghèo vào năm 2020 tăng gấp 3,5 lần so với năm 2011. Ðể đạt được mục tiêu trong hai năm tới, thành phố tập trung giúp người nghèo về mặt nghề nghiệp, giáo dục, nhà ở, bảo hiểm xã hội. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện các chính sách an sinh xã hội như hỗ trợ thẻ BHYT, chi phí khám, chữa bệnh, miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên. Ðối với các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao như huyện Củ Chi, Nhà Bè (tỷ lệ hộ nghèo hơn 7% tổng hộ dân của huyện) và Cần Giờ (hơn 40%), thành phố sẽ lồng ghép chương trình giảm nghèo bền vững với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhằm đẩy mạnh khả năng huy động nguồn lực từ ngân sách và xã hội hóa thực hiện các giải pháp hỗ trợ người nghèo. Ðiều này giúp đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo (huyện Củ Chi, Nhà Bè đạt bình quân 3%/năm, Cần Giờ đạt bình quân 12%/năm), góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Phương Bảo

Theo nhandan.com.vn