0915 378 783

Nâng cao mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo

THO) - Từ năm 2016 đến nay, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh đã được triển khai gắn với thực hiện công tác giảm nghèo đa chiều đến đúng đối tượng.

Nhờ tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi nhiều hộ nghèo ở xã Quang Hiến (Lang Chánh) đã vươn lên thoát nghèo.

Người nghèo được tạo cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, được hưởng lợi từ đầu tư cơ sở hạ tầng, được nâng cao dân trí, đào tạo việc làm và hỗ trợ nhiều nguồn lực khác nhau để sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình...
 
Trước đây, theo tiêu chí cũ, hộ nghèo được xét theo tiêu chí đơn chiều (thu nhập). Vì vậy, nhiều hộ sau khi rà soát đã thoát nghèo nhưng vẫn chưa được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: Thông tin, nhà ở, dịch vụ y tế, giáo dục... ở mức cơ bản. Việc chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường theo hướng đa chiều giúp xác định đối tượng nghèo chính xác, cụ thể, không bỏ sót, bảo đảm công bằng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội, qua đó giúp cơ quan chức năng chỉ đạo thực hiện chính sách an sinh xã hội phù hợp. Nhiều hộ thoát nghèo bền vững nhờ được tiếp cận các dịch vụ xã hội, trình độ dân trí nâng lên; nhiều chỉ tiêu giảm nghèo đạt khá so với kế hoạch. Các chính sách hỗ trợ về giáo dục cho học sinh, sinh viên luôn được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời; 100% người nghèo, 81,16% người cận nghèo được cấp thẻ BHYT; 4.191 hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn ưu đãi làm nhà ở theo Chương trình 167 giai đoạn II; 1.574 hộ được hỗ trợ làm nhà ở phòng tránh bão lụt. Quỹ vì người nghèo đã hỗ trợ làm mới 1.205 nhà, sửa chữa 120 nhà ở “Đại đoàn kết”; đã huy động được các nguồn vốn đầu tư 8 công trình cấp nước tập trung, hỗ trợ xây mới và nâng cấp công trình cấp nước hộ gia đình cho 14.654 hộ nghèo; hoàn thành việc đầu tư, nâng cấp hệ thống đài truyền thanh cho 70 xã... Sản xuất có bước phát triển, vấn đề giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được cải thiện rõ nét, thu nhập hộ nghèo gấp 1,84 lần so với năm 2015. Cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống ở các huyện nghèo, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường, tiếp cận thông tin các cấp, các ngành triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng tốt hơn. Qua tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo phương thức tiếp cận đa chiều, đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 81.758 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 8,43% (giảm 2,54% so với năm 2016) và 96.299 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 9,93% (giảm 0,04% so với năm 2016). Đặc biệt, đã có 1 huyện thoát khỏi huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; 11 xã bãi ngang, 14 xã và 16 thôn, bản khu vực miền núi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 6 xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới.
 
Tuy nhiên, chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2016-2020 còn nhiều khó khăn, thách thức, nhiều địa phương có tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao (trên 50%); năm 2017 có 5 huyện (Thường Xuân, Bá Thước, Ngọc Lặc, Quảng Xương, Hà Trung) chưa đạt chỉ tiêu giảm nghèo; tình trạng hộ tái nghèo, tái cận nghèo còn diễn ra. Việc triển khai thực hiện một số dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả chưa sâu rộng. Nhiều hộ nghèo từng được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, nâng thu nhập bình quân đầu người lên trên chuẩn và đã thoát nghèo, nay lại tái nghèo do không đáp ứng các tiêu chí theo quy định mới. 
 
Theo báo cáo tại hội thảo sẻ chia kinh nghiệm giảm nghèo (tháng 8 năm 2018), chỉ tiêu tình trạng đi học của trẻ em giảm 4.202 em, đạt 54,57% kế hoạch. Số người cận nghèo mua thẻ BHYT là 329.822 người, chiếm tỷ lệ 81,16% (chỉ tiêu là 100%). Số hộ đang ở trong nhà thiếu kiên cố hoặc nhà đơn sơ giảm 16.998 hộ, đạt 43,36% kế hoạch; số hộ có diện tích nhà ở tối thiểu 8m2/người giảm 15.210 hộ, đạt 42,85% kế hoạch. Số hộ chưa được sử dụng hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh giảm 24.410 hộ, đạt 38,26% kế hoạch. Số hộ chưa được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh giảm 13.869 hộ, đạt 40,91% kế hoạch. Số hộ không có tài sản phục vụ tiếp cận thông tin và sử dụng dịch vụ viễn thông giảm 10.587 hộ, đạt 46,43% kế hoạch. Như vậy, có 3/8 chỉ tiêu đạt trên 50% kế hoạch, 5/8 chỉ tiêu đạt còn thấp so với mục tiêu kế hoạch đề ra.
 
Ông Lê Minh Hành, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: Với cách tiếp cận nghèo theo hướng đa chiều, từ năm 2016 tỉnh thực hiện chương trình giảm nghèo theo hướng cải thiện, nâng cao thu nhập và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ở từng lĩnh vực, địa bàn, bảo đảm sử dụng nguồn lực dành cho giảm nghèo hợp lý, tập trung và hiệu quả. Theo đó, không phải tất cả hộ nghèo đều được hưởng mức hỗ trợ như nhau mà căn cứ theo mức độ thiếu hụt nhu cầu cơ bản mà các địa phương, đơn vị có cách đầu tư, hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực; giảm dần chính sách cấp phát, cho không hộ nghèo mà chuyển sang hình thức cho vay, cho mượn theo cơ chế chính sách cụ thể đến từng đối tượng, nhằm tạo ý thức cho người nghèo tự vươn lên thoát nghèo.
 
Trên thực tế, những năm qua, thực hiện chương trình giảm nghèo, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo, như: Các Chương trình 135, 30a của Chính phủ; chính sách ưu đãi tín dụng; chính sách mua BHYT cho hộ nghèo, hỗ trợ về giáo dục, đất sản xuất, nước sinh hoạt; chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm; nhà ở cho hộ nghèo; trợ giúp pháp lý cho hộ nghèo; chính sách hỗ trợ tiền điện; hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo trong sản xuất bằng giống lúa lai, ngô lai, phương tiện sản xuất và nhiều hộ được hỗ trợ giống vật nuôi (lợn, trâu, bò)..., tạo điều kiện giúp hộ nghèo ổn định sinh kế, phát triển kinh tế, tăng thu nhập, sớm hội nhập cộng đồng. Nhưng cũng chính vì được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều hộ nghèo có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, không muốn thoát nghèo. Cùng với đó, kết quả giảm nghèo của giai đoạn trước chưa đảm bảo tính bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao, nhất là khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Những khó khăn, thách thức ban đầu khi thực hiện một chính sách mới là điều không tránh khỏi. Thế nhưng việc tiếp cận nghèo theo hướng đa chiều này sẽ tạo cơ hội cho người nghèo được hưởng đầy đủ các loại dịch vụ xã hội cơ bản hơn. Thông qua phương pháp tiếp cận nghèo này, sẽ đánh giá được mức độ thay đổi các nhu cầu dịch vụ xã hội cơ bản của người dân tại từng địa phương. Từ đó xây dựng các chính sách cụ thể, đầu tư đúng và trúng theo từng vùng, lĩnh vực, từng bước giảm dần mức độ thiếu hụt giữa các vùng, nhóm dân cư. Được biết, một trong những định hướng lớn, mới của Nhà nước trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 là sẽ giảm dần các chính sách “cho không”, tăng dần sự chủ động tiếp cận các chính sách về giảm nghèo đối với người nghèo, phát huy tính tự lực, tự cường trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội, tránh cho hộ nghèo tâm lý ỷ lại. Để làm được điều này, đòi hỏi sự thay đổi trong nhận thức và hành động của các ngành, các cấp, cùng sự thay đổi nhận thức căn bản của chính những người dân. Có như vậy, chính sách mới “thẩm thấu” vào cuộc sống, tạo bước chuyển căn bản trong công tác giảm nghèo trong thời gian tới.    
 

Bài và ảnh: Trần Hằng

 

Theo baothanhhoa.vn